Chế tài cho Hành vi cạnh tranh không Lành mạnh

Trong bối cảnh Luật Cạnh tranh sửa đổi Luật Cạnh tranh (2004) được đưa ra góp ý kiến và thảo luận tại kỳ họp Quốc Hội diễn ra từ ngày 22/05/2017, tác giả mong muốn chia sẻ vụ việc điển hình và kinh nghiệm trong một vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh trang không lành mạnh. Trên cơ sở đó, hy vọng Luật Canh tranh sẽ được sửa đổi bổ sung theo hướng toàn diện và thực tiễn hơn nữa nhằm xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh hơn.

Sau hơn hai năm theo đuổi vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra, bên bị vi phạm không nhận được bất cứ khoản tiền bồi thường nào. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vai trò quản lý nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật nằm ở đâu trong việc thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh để các doanh nghiệp được tự do cạnh tranh.

Mỗi năm Cục Quản lý Cạnh tranh đều đưa ra báo cáo về số vụ việc cạnh tranh không lành mạnh (CTKLM) được Cục xử lý hoặc trong giai đoạn điều tra. Đa số các vụ việc CTKLM liên quan đến quảng cáo so sánh. Một khi hành vi vi phạm xảy ra, doanh nghiệp bị vi phạm sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại như doanh thu giảm sút, uy tín thương hiệu bị xâm hại, các chi phí phải bỏ ra để khôi phục lại hình ảnh thương hiệu, thời gian và công sức để thực hiện việc khắc phục này. Để bù đắp những thiệt hại đó, doanh nghiệp chỉ có con đường duy nhất là khởi kiện tại tòa án. Thế nhưng con đường này cũng quá nhiều chông gai.

Doanh nghiệp A và B cùng kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm hóa chất sử dụng trong ngành công nghiệp dệt may. Doanh nghiệp A bị đối thủ so sánh chất lượng hàng hóa của Doanh nghiệp A gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Doanh thu của Doanh nghiệp A đã giảm sút đáng kể và tâm lý khách hàng hoang mang về chất lượng sản phẩm của Doanh nghiệp A. Doanh nghiệp A đã phải giảm giá bán sản phẩm, tổ chức sự kiện để khôi phục lại hình ảnh của mình. Ngoài ra, Doanh nghiệp A đã thuê đơn vị tư vấn để thu thập bằng chứng và khiếu nại hành vi của Doanh nghiệp B lên cơ quan quản lý cạnh tranh.

Sau khi nhận được khiếu nại và tiến hành thủ tục điều tra, cơ quan quản lý cạnh tranh đã xác định Doanh nghiệp B đã có hành vi CTKLM và áp dụng biện pháp xử phạt hành chính theo quy định pháp luật. Sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Doanh nghiệp A đã khởi kiện Doanh nghiệp B ra tòa án sơ thẩm để yêu cầu cải chính xin lỗi công khai trên báo chí và trên website của Doanh nghiệp B và bồi thường thiệt hại thực tế mà Doanh nghiệp A đã gánh chịu. Tuy nhiên, sau gần 02 năm theo đuổi vụ kiện, Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm chỉ buộc Doanh nghiệp B xin lỗi cải chính, trong khi đó các yêu cầu về bồi thường thiệt hại đều không được chấp nhận. 

Những quy định chung hiện nay về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chưa đầy đủ để đảm bảo tính răn đe đối với bên bị vi phạm và tương thích để khôi phục thiệt hại cho bên bị vi phạm trong các vụ việc về cạnh tranh không lành mạnh. Như tổ chức WIPO đã từng nhận xét: “thành công của luật CTKLM phụ thuộc chủ yếu vào vai trò của cơ quan xét xử là tòa án.” (WIPO – Protection against unfair competition).

Hiện nay, các quy định hướng dẫn cụ thể về xác định thiết hại đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Đã có nhiều khuyến nghị phải ban hành chi tiết hướng dẫn về việc xác định và hướng giải quyết các vụ việc bồi thường thiệt hại cho hành vi CTKLM gây ra. Thế nhưng đến nay, chính phủ và tòa án tối cao vẫn chưa có bất cứ quy định nào chi tiết về vấn đề này. Mọi giải thích, áp dụng pháp luật hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của Tòa án các cấp. Vụ việc dẫn chứng nêu trên cho thấy quan điểm của Tòa án là chưa phù hợp, không bảo đảm một môi trường cạnh tranh bình đẳng, kẻ vi phạm phải bị trừng trị thích đáng do hành vi cạnh tranh không lành mạnh của mình gây ra.

Một số quốc gia trên thế giới đưa ra một số giải pháp để giải quyết trong trường hợp việc chứng minh thiệt hại trong vụ việc cạnh tranh không lành mạnh là không rõ ràng và chắc chắn. Sau đây là một số ví dụ điển hình:

Lợi nhuận của bên bị vi phạm

Nếu các bên tranh chấp đều là đối thủ của nhau trong một ngành hàng thì lợi nhuận mà bên vi phạm thu được có thể được xem là khoản lợi nhuận mà bên bị vi phạm đã mất do hành vi vi phạm của bên vi phạm.

Thiệt hại tối thiểu

Một số bang của Hoa Kỳ đưa ra mức thiệt hại tối thiểu mà bên bị vi phạm có quyền yêu cầu mà không cần phải có chứng cứ chứng minh thiệt hại thực tế. Ví dụ, một số bang quy định mức bồi thường mà bên bị vi phạm phải gánh chịu sẽ giao động từ USD25 cho đến USD5000 mà bên bị vi phạm không cần phải chứng minh thiệt hại thực tế là bao nhiêu.

Tiền bồi thường có tính chất trừng phạt (Punitive damages)

Khoản tiền bồi thường này không có tính chất tương đương mức độ của hành vi vi phạm. Thay vào đó, mục đích của khoản tiền bồi thường này là để trừng trị đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh có chủ ý, ngoan cố, trái đạo đức, và thiếu thận trọng.

Phí luật sư

Theo Luật Lanham (Lanham Act) của Hoa Kỳ, bên thua kiện phải gánh chịu chi phí thuê luật sư nếu bên thua kiện có hành vi cạnh tranh không lành mạnh một cách có chủ ý.

Thiệt hại khác

Trong một số trường hợp, tòa án sẵn sàng công nhận những thiệt hại không rõ ràng, ví dụ như sự phiền phức mà bên bị vi phạm phải gánh chịu, chi phí đi lại, thời gian bỏ ra để khắc phục thiệt hại, và mất cơ hội kinh doanh.

Trong vụ việc nêu trên, Tòa án không chấp nhận các chứng cứ do Doanh nghiệp A (bên bị vi phạm) cung cấp vì cho rằng không thuyết phục, rõ ràng và đầy đủ để chứng minh thiệt hại. Ngoài ra, Tòa án cũng không áp dụng bất cứ biện pháp nào hoặc đưa ra biện pháp cần thiết nào mang tính răn đe và trừng phạt hành vi vi phạm của Doanh nghiệp B (bên vi phạm). Thiết nghĩ, nếu tòa án áp dụng một trong các thiệt hại mà chúng tôi đưa ra tham khảo đang được áp dụng tại các nước phát triển, thì môi trường cạnh trạnh sẽ được bảo đảm, kẻ vi phạm sẽ bị trừng phạt và phải bồi thường thích đáng cho bên bị vi phạm.

Doanh nghiệp dù có nỗ lực đến đâu để cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng pháp luật không bảo vệ họ, không duy trì một trật tư canh tranh bình đẳng, thì không còn doanh nghiệp chân chính nào muốn đầu tư và kinh doanh nữa. Khi ấy, quyền lực của kẻ mạnh, của kẻ biết nhiều “mánh khóe” sẽ là người chiếm lĩnh cuộc chơi. Một môi trường cạnh tranh như vậy chắc có lẽ sẽ giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và trong dài hạn không thể tạo lập được một quốc gia thịnh vượng.