Chỉ luật sư mới được cung cấp dịch vụ pháp lý?

(TBKTSG) – Ngày 17-5-2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã cho một công ty bất động sản được đăng ký kinh doanh ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật”. Vấn đề đặt ra ở đây là “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” có được điều chỉnh bởi Luật Luật sư hay được quyền tự do kinh doanh như hướng dẫn của sở kế hoạch và đầu tư. Đến nay vấn đề này vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất.

Tự do hóa nghề luật sư có phải là xu hướng?

Tự do hóa nghề luật sư được hiểu là cho phép những cá nhân, tổ chức không phải là luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật được cung cấp dịch vụ pháp lý. Ở một số quốc gia, hiện nay, nghề luật đã được tự do hóa trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, theo đó làm thay đổi căn bản nghề luật và tác động đến thị trường pháp lý một cách rõ nét.

Chẳng hạn như tại Anh và xứ Wales, Đạo luật Dịch vụ pháp lý 2007 cho phép những cá nhân không phải là luật sư được phép đăng ký kinh doanh và trở thành chủ sở hữu của các công ty luật (ABS – Alternative Business Structure). Ngoài ra, Hiệp hội Luật sư Canada đã đề cập đến tự do hóa trong báo cáo của họ với tựa đề “Chuyển đổi việc cung cấp dịch vụ pháp lý tại Canada” vào năm 2014.

Quan điểm của các quốc gia này là tự do hóa nghề luật sẽ cho phép những người có kỹ năng và chuyên môn khác nhau được kết hợp với nhau để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của khách hàng, và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ pháp lý này. Ngoài ra, việc loại bỏ các hạn chế cạnh tranh trong thị trường dịch vụ pháp lý sẽ thúc đẩy một môi trường chung về đổi mới và sáng tạo trong việc cung cấp các dịch vụ, ưu tiên đáp ứng các nhu cầu pháp lý của khách hàng với chi phí phù hợp hơn. Người dân được hưởng lợi về mặt kinh tế, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các công ty luật.

Tuy nhiên, việc khuyến khích tự do hóa trong hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý không đồng nghĩa với việc cho phép các công ty này được phép hoạt động tràn lan mà sẽ phải chịu sự điều chỉnh và quản lý nghiêm ngặt từ các cơ quan có thẩm quyền, không để các hoạt động này thực hiện một cách tùy tiện làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, uy tín của nghề luật.

Cụ thể tại Anh, có một số lĩnh vực pháp lý chỉ có luật sư mới được phép hành nghề cung cấp dịch vụ, như: dịch vụ tố tụng tại tòa, dịch vụ đại diện thực hiện giao dịch bất động sản. Trong khi đó tại Mỹ, quy tắc đạo đức hành nghề của Liên đoàn Luật sư Mỹ quy định các hành vi nào được phép thực hiện và hành vi nào bị cấm thực hiện, các công ty tại Mỹ phải điều chỉnh các mô hình của họ để phù hợp với quy tắc mẫu này.

Ai đang làm khó ai?

Ở Việt Nam, trước thời điểm Luật Luật sư năm 2006 được ban hành, điều kiện hành nghề luật không được quy định chặt chẽ, một số tổ chức với nhân sự không phải luật sư vẫn được cung cấp một số dịch vụ pháp lý. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như làm giảm uy tín cá nhân và tổ chức hành nghề luật sư, gây mất trật tự xã hội và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Sau khi Luật Luật sư được ban hành, điều kiện hành nghề luật đã được quy định chặt chẽ theo hướng chỉ có luật sư có chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư mới được phép cung cấp dịch vụ pháp lý.

Gần đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã ban hành công văn số 3493/SKHĐT-ĐKKD ngày 17-5-2019 cho phép một công ty bất động sản được phép kinh doanh ngành nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật”. Vấn đề đặt ra ở đây là “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” có được xem là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được điều chỉnh bởi Luật Luật sư hay được quyền tự do kinh doanh như hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đến nay vấn đề này vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất.

Theo quy định tại điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2014, “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó”. Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, tại nội dung hướng dẫn cụ thể về mã ngành 6910, đã quy định hoạt động đại diện và tư vấn pháp luật có phạm vi rất rộng, bao gồm cả lĩnh vực tố tụng – lĩnh vực mà chỉ có luật sư mới đủ điều kiện để được phép hoạt động.

Theo tinh thần của quyết định này thì điều kiện để chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh ngành nghề này rất đơn giản, chỉ cần có năng lực hành vi và không thuộc các trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp; cơ quan có thẩm quyền xem xét và cấp phép là sở kế hoạch và đầu tư.

Để làm rõ vấn đề này, Bộ Tư pháp đã có công văn số 177/BC-BTP ngày 10-7-2019 khẳng định các hoạt động ngành nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý phải đăng ký tại sở tư pháp các tỉnh và thành phố theo quy định của Luật Luật sư.

Tự do hóa nghề luật sư ở Việt Nam có làm luật sư mất việc không?

Nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan và phù hợp với xu hướng phát triển chung, trong tương lai gần, chúng ta nên cân nhắc việc mở rộng và tự do hóa việc cung cấp dịch vụ pháp lý. Có một điều chắc chắn tự do hóa nghề luật sư sẽ làm giảm số lượng công việc mà luật sư xử lý. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng luật sư cho một số công việc pháp lý sẽ giảm. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này cũng sẽ tạo việc làm thêm cho những đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý không phải tổ chức hành nghề luật sư.

Ngoài ra, quyền tiếp cận dịch vụ pháp lý với chi phí phù hợp hơn sẽ trở nên dễ dàng hơn cho các cá nhân và tổ chức có nhu cầu. Sự thay đổi này cũng kích thích sự thay đổi trong nội bộ các tổ chức hành nghề luật sư, tập trung chuyên sâu hơn vào những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm của luật sư, xây dựng những lĩnh vực hành nghề mới để tạo việc làm và lợi thế cạnh tranh riêng cho mình.