Có thể Sa thải Người lao động không tiêm vắc xin ngừa COVID-19 không?

Quyền tiêm vắc xin của người lao động

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, vắc xin có thể được sử dụng theo hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc[1]. Trong đó, dịch COVID-19 lại không thuộc Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc[2] do Bộ Y Tế ban hành. Do đó, các loại vắc xin phòng chống COVID-19 hiện nay vẫn được triển khai dưới hình thức tự nguyện.

Vì một số lý do như e ngại tính hiệu quả của vắc xin, đợi vắc xin tốt và cả tính không bắt buộc của việc tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 nên một bộ phận người lao động (“NLĐ”) đã từ chối tiêm vắc xin. Điều này đã dẫn đến một thực trạng là có một số lượng lớn NLĐ chưa tiêm vắc xin cho đến thời điểm hiện tại.

Ngày 15 tháng 9 năm 2021, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số: 3328/QĐ-BCĐ Về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (“Bộ tiêu chí”).

Theo đó, một trong những tiêu chí để NLĐ quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp là tối thiểu họ phải có “Thẻ Xanh COVID (giới hạn phạm vi hoạt động)”[3], một số bộ phận khác thì yêu cầu NLĐ bắt buộc phải có “Thẻ Xanh COVID”[4]. Hay nói cách khác, NLĐ nếu muốn trở lại làm việc tại doanh nghiệp thì họ bắt buộc phải được tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin (đối với vắc xin 02 liều). Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp NLĐ chưa tiêm vắc xin thì sẽ gặp những hậu quả gì khi quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp? Người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) sẽ phải ứng xử như thế nào trong trường hợp này? Và liệu rằng NSDLĐ có thể sa thải những NLĐ này trong bối cảnh hiện tại hay không?

Quyền sa thải người lao động không tiêm vắc xin của người sử dụng lao động

Những NLĐ chưa tiêm vắc xin có thể sẽ gặp phải nhiều vấn đề khi quay trở lại làm việc. Họ không chỉ tốn thời gian, tiền bạc để thường xuyên làm các xét nghiệm chứng minh sự an toàn, mà còn gây ra nhiều khó xử cho NSDLĐ và cả những NLĐ cùng làm việc với họ; hay thậm chí là họ còn có thể không được phép hoạt động ở nơi làm việc bởi việc chưa tiêm vắc xin.

Hiện nay, trên thế giới, các doanh nghiệp cũng có nhiều ứng xử khác nhau đối với NLĐ chưa tiêm vắc xin. Ví dụ như “Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ đã yêu cầu tất cả nhân viên ở Mỹ chưa tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 làm việc tại nhà”[5]; “Facebook và Google yêu cầu nhân viên phải tiêm chủng trước khi quay lại làm việc”[6]; hay thậm chí là sa thải nhân viên nếu họ không tiêm vắc xin như “Hãng tin CNN của Mỹ đã sa thải 03 nhân viên vì đến văn phòng làm việc mà không tiêm vắc xin COVID-19”[7]. Hiện nay, các nhân viên chăm sóc y tế, chăm sóc tại nhà và cấp cứu tại Pháp bắt buộc phải tiêm vắc xin. Một toà án ở Pháp quyết định rằng nếu những NLĐ này không tiêm vắc xin thì họ sẽ phải đối mặt với việc bị giảm lương hoặc không thể đến nơi làm việc, nhưng không thể bị sa thải[8]. Vấn đề này được giải quyết như thế nào tại Việt Nam?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, NSDLĐ chỉ được quyền sa thải NLĐ khi:

  1. NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc; hoặc
  2. NLĐ có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động; hoặc
  3. NLĐ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật; hoặc
  4. NLĐ ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Mặc dù Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp đã ban hành, nhưng nó chỉ áp dụng riêng cho các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cũng chưa có bất kỳ cách thức xử lý nào được đưa ra nếu các chủ thể không tuân thủ quy định của bộ tiêu chí này.

Như vậy, hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và tại Việt Nam nói chung, NSDLĐ không thể sa thải NLĐ vì lý do họ chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa thể đi đến một kết luận chính xác khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể sẽ ban hành các quy định mới điều chỉnh vấn đề này trong tương lai.


[1] Khoản 2 Điều 27 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.

[2] Điều 2 Thông tư 38/2017/TT-BYT về Ban hành Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

[3] “Thẻ Xanh COVID (giới hạn phạm vi hoạt động): là thẻ cấp cho những người có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (test nhanh hoặc RT-PCR) đối với những ngành nghề phải làm xét nghiệm theo quy định; đã tiêm ít nhất 01 liều vắc-xin (đối với vắc xin 02 liều) hoặc từng mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh; và không tiếp xúc gần với người F0 trong vòng 14 ngày.

[4] “Thẻ Xanh COVID”: là thẻ cấp cho những người có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (test nhanh hoặc RT-PCR) đối với những ngành nghề phải làm xét nghiệm theo quy định; đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin (đối với vắc xin 02 liều) hoặc 01 liều (đối với vắc xin 01 liều) hoặc từng mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh; và không tiếp xúc gần với người F0 trong vòng 14 ngày.

[5] Xem “Credit Suisse yêu cầu tất cả nhân viên ở Mỹ chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 làm việc tại nhà”, https://www.reuters.com/business/credit-suisse-tells-unvaccinated-us-staff-work-home-memo-says-2021-08-25/ , truy cập lần cuối ngày 24.9.2021.

[6] Xem “Facebook, Google yêu cầu nhân viên tiêm chủng, Apple khuyến khích”, https://congnghe.tuoitre.vn/facebook-google-yeu-cau-nhan-vien-tiem-chung-apple-khuyen-khich-2021072907121221.htm , truy cập lần cuối ngày 24.9.2021.

[7] Xem “CNN fires unvaccinated employees for going to office”, https://www.bbc.com/news/world-us-canada-58112125 , truy cập lần cuối ngày 24.9.2021.

[8] Xem “Unvaccinated French health care workers face suspension”, https://abcnews.go.com/Health/wireStory/unvaccinated-french-health-care-workers-face-suspension-80029160 , truy cập lần cuối ngày 25.9.2021.