Xung đột lợi ích trong môi giới mua bán hàng hóa

Hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thường xuyên phát sinh quan hệ môi giới thương mại bởi đặc thù giao dịch diễn ra trên các quốc gia khác nhau. Pháp luật Việt nam không quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với hoạt động môi giới thương mại.[1] Do đó, các doanh nghiệp Việt nam và doanh nghiệp nước ngoài đều có thể tham gia vào hoạt động này miễn đáp ứng đủ các điều kiện theo các quy định pháp luật chuyên ngành.

Mối quan hệ giữa các bên trong hoạt động môi giới thương mại rất phức tạp và luôn tiềm ẩn những xung đột lợi ích dẫn đến rủi ro cho bên môi giới, với vai trò là bên trung gian và có lợi ích phụ thuộc nhau.

Khái niệm xung đột lợi ích trong môi giới thương mại

Từ điển Black’s Law giải thích Xung đột lợi ích đề cập đến “..sự xung đột giữa lợi ích công và lợi ích của cá nhân có liên quan. Một tình huống coi trọng một nghĩa vụ dẫn đến không coi trọng một nghĩa vụ khác”.[2]

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa “xung đột lợi ích là xung đột giữa nhiệm vụ công và lợi ích cá nhân của viên chức nhà nước mà lợi ích cá nhân của viên chức đó có thể ảnh hưởng không thích hợp đến cách người này thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm của họ”.[3]

Trong quan hệ môi giới thương mại, với vai trò là trung gian cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ,[4] bên môi giới không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên thuê môi giới, trừ trường hợp có uỷ quyền của bên thuê môi giới.[5]

Như vậy, trong giao dịch mua bán thông qua môi giới thương mại có hai quan hệ phát sinh: (i) quan hệ giữa bên môi giới và bên thuê môi giới; và (ii) quan hệ giữa bên thuê môi giới và bên thứ ba (đối tác mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ). Việc tồn tại cùng lúc hai quan hệ pháp lý có thể dẫn đến những xung đột về mặt lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ này.

Lợi ích chính mà bên môi giới hướng tới đó là khoản thù lao từ bên thuê môi giới. Còn bên thuê môi giới đồng thời hướng đến hai lợi ích: việc tìm kiếm và khai thác khách hàng từ bên môi giới; và lợi ích của chính doanh nghiệp trong giao dịch với bên thứ ba.

Trong khi đó, Bên thuê môi giới phải trích một khoản tiền để thanh toán thù lao cho bên môi giới, từ đó làm giảm đáng kể lợi nhuận thu được từ các giao dịch với bên thứ ba. Điều này dẫn đến bên thuê môi giới thường có xu hướng vi phạm nghĩa vụ với bên môi giới.

Một số rủi ro điển hình đối với bên môi giới

Thông thường hợp đồng môi giới sẽ được thỏa thuận trong một thời hạn nhất định. Trong thời hạn đó, bên môi giới sẽ được nhận thù lao trên các đơn hàng phát sinh từ bên thứ ba với bên thuê môi giới. Mức thù lao và việc thanh toán thù lao môi giới chủ yếu căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng môi giới.[6]

Rủi ro bên thuê môi giới vi phạm nghĩa vụ thanh toán thù lao môi giới. Thông thường, việc thanh toán thù lao cho bên môi giới chỉ được thực hiện sau khi bên bán và bên thứ ba đã ký kết hợp đồng hoặc thậm chí trong nhiều trường hợp chỉ được thực hiện sau khi bên mua đã thanh toán tiền mua hàng hóa cho bên bán. Lúc này, việc môi giới đã hoàn tất và bên bán có thể không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thù lao theo thỏa thuận.

Rủi ro bên thuê môi giới thỏa thuận với bên thứ ba để thực hiện giao dịch mà không thông qua bên môi giới. Cách tính thù lao môi giới phổ biến trên thực tế được thỏa thuận bằng phần trăm nhất định trên giá trị giao dịch. Với cách tính này, thù lao đối với từng lần giao dịch có thể không lớn vì phụ thuộc giá trị từng giao dịch. Vì vậy, bên thuê môi giới có thể thông qua bên môi giới để giao dịch với những đơn hàng đầu. Sau đó, khi đã có thông tin của bên thứ ba, bên thuê môi giới có xu hướng tìm cách để loại bỏ vai trò của bên môi giới. Để đạt được điều đó, bên thuê môi giới thường tiết lộ thông tin về hợp đồng môi giới và đề xuất giảm giá cho bên thứ ba một khoản thấp hơn khoản phải trả cho bên môi giới. Thực tế là bên thứ ba sẽ dễ dàng đồng ý và tìm lý do để chấm dứt quan hệ với bên môi giới. Vì không trực tiếp tham gia vào hợp đồng mua bán, bên môi giới khó có thể kiểm soát được quá trình giao dịch giữa các bên. Do đó, bên môi giới có thể không biết và không có căn cứ để yêu cầu bên thuê môi giới thanh toán tiền thù lao.

Rủi ro bị thiệt hại do không thỏa thuận rõ các nghĩa vụ trong hợp đồng. Luật thương mại 2005 không quy định Hình thức hợp đồng môi giới thương mại bắt buộc phải bằng văn bản.[7] Trong nhiều trường hợp, do tin tưởng, các bên trong quan hệ môi giới thương mại chỉ thỏa thuận bằng lời nói hoặc qua các phương tiện internet. Khi phát sinh tranh chấp việc xác định quan hệ môi giới và các nội dung đã thống nhất rất phức tạp. Đồng thời, nghĩa vụ của bên thuê môi giới theo quy định pháp luật khá chung chung, gồm nghĩa vụ cung cấp thông tin và nghĩa vụ thanh toán thù lao,[8] mà không quy định các nghĩa vụ về bảo mật thông tin với bên thứ ba và các nghĩa vụ khác. Trường hợp các bên không thỏa thuận rõ trong hợp đồng thì không ràng buộc nghĩa vụ đối với bên thuê môi giới.

Các biện pháp phòng ngừa rủi ro và bảo vệ lợi ích của bên môi giới

Thứ nhất, hợp đồng môi giới cần được soạn thảo và lập thành văn bản trong đó ràng buộc nghĩa vụ bảo mật thông tin giữa các bên. Đồng thời, bên môi giới có thể đưa vào điều khoản về nghĩa vụ của bên thuê môi giới về việc thông báo cho bên môi giới về các giao dịch đối với bên thứ ba trong phạm vi liên quan đến hợp đồng môi giới. Việc quy định rõ nghĩa vụ của bên thuê môi giới là cơ sở xác định hành vi vi phạm hợp đồng để yêu cầu thanh toán khoản tiền phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại.

Thứ hai, cần thỏa thuận điều khoản phạt hợp đồng trong trường hợp các bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng môi giới. Vì khi có tranh chấp, chỉ khi có thỏa thuận về phạt hợp đồng thì bên môi giới mới có quyền yêu cầu bên thuê môi giới chịu phạt hợp đồng nếu chứng minh được có hành vi vi phạm hợp đồng.[9] Trong trường hợp các bên chọn luật áp dụng là luật Việt Nam, các bên được quyền thỏa thuận mức phạt trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.[10]

Tham khảo Bản án 04/2008/KDTM-GDT ngày 02/4/2008 về việc “Tranh chấp hợp đồng môi giới” trong Hợp đồng xuất khẩu gỗ.[11] Theo đó, Công ty Tân Thuận, bên môi giới, khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán tiền môi giới theo Hợp đồng môi giới đã ký giữa hai bên và lãi suất chậm trả. Tòa án sơ thẩm đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Tân Thuận. Tuy nhiên, sau khi bị đơn kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận đối với yêu cầu thanh toán tiền phí môi giới, bác bỏ yêu cầu đối với phần lãi chậm trả. Trường hợp này, nếu hai bên thỏa thuận khoản phạt hợp đồng, bên môi giới có thể được bù đắp một phần thiệt hại do hành vi vi phạm của bên thuê môi giới.

Thứ ba, khi có tranh chấp, bên môi giới có quyền yêu cầu bên thuê môi giới bồi thường thiệt hại gây ra do hành vi vi phạm hợp đồng. Về nguyên tắc, giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp và khoản lợi trực tiếp mà một bên đáng lẽ được hưởng. [12] Tuy nhiên trên thực tế, việc chứng minh các thiệt hại để yêu cầu bồi thường là rất khó khăn và phức tạp.

Tóm lại, xung đột lợi ích trong hoạt động môi giới thương mại thường dẫn đến những rủi ro đáng kể đối với bên môi giới. Trong khi đó, các quy định pháp luật vủa Việt Nam về môi giới thương mại chưa đầy đủ và chưa điều chỉnh hết các vấn đề phát sinh trên thực tế. Do đó, bên môi giới cần đặt ra các nghĩa vụ cụ thể trong hợp đồng để bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp phát sinh tranh chấp.

Danh sách tài liệu tham khảo:

[1] Xem: https://dpi.danang.gov.vn/hoi-dap?p_p_id=dpihoidap_WAR_dpihoidap100SNAPSHOT&p_p_lifecycle=0&p_p_state=normal&p_p_mode=view&_dpihoidap_WAR_dpihoidap100SNAPSHOT_action=chitietcauhoi&id=2254 (Truy cập ngày 13/12/2021)

[2] Rebecca Walker, “Conflicts of Interest in Business and the Professions: Law and Compliance”, Publisher: Thomson Reuters (2011), trang 9, §1:3, trích dẫn định nghĩa từ Black’s Law Dictionary (West Publishing Co. 1991)

[3]OECD, “Conflict of Interest Policies and Practices in Nine EU Member States:A Comparative Review”, 18/07/2007, trang 6. [https://www.oecd-ilibrary.org/governance/conflict-of-interest-policies-and-practices-in-nine-eu-member-states_5kml60r7g5zq-en] (Truy cập vào ngày 13/12/2021).

[4]Điều 150, Luật Thương mại 2005;

[5]Điều 151.4, Luật Thương mại 2005;

[6]Điều 153, Luật Thương mại 2005;

[7]Mục 2 Chương V, Luật Thương mại 2005;

[8]Điều 152, Luật Thương mại 2005;

[9] Điều 300, Luật Thương mại năm 2005;

[10] Điều 301, Luật Thương mại năm 2005;

[11] https://caselaw.vn/ban-an/1060/04-2008-kdtm-gdt#/ (Truy cập ngày 13/12/2021);

[12] Điều 302, Luật Thương mại năm 2005.