Trong thương mại quốc tế, biện pháp chống bán phá giá là một trong các biện pháp phòng vệ thương mại quan trọng, được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa trước hành vi nhập khẩu hàng hóa bán phá giá hàng hóa từ nước ngoài. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình toàn cầu hóa kinh tế và đảm bảo sự cân bằng thương mại, từ đầu thế kỷ XX, nhiều văn bản về chống bán phá giá đã được ký kết dưới sự đồng thuận của các quốc gia. Trong đó, Hiệp định về chống bán phá giá của WTO đóng vai trò quan trọng khi thiết lập những quy tắc cụ thể mà các Quốc gia thành viên phải tuân theo khi điều tra và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.
1. Khái quát về Hiệp định về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế
Hiệp định về chống bán phá giá (Anti-Dumping Agreement), tên đầy đủ là Hiệp định Thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (Agreement on Implementation of Article VI of the GATT 1994), là một trong những hiệp định quan trọng của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Cùng với Chương IV của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1947), hiệp định này thiết lập ra các quy định hiện hành về bán phá giá và các biện pháp xử lý hành vi này.
Hiệp định về chống bán phá giá là kết quả ký kết của các quốc gia tại Vòng đàm phán Uruguay năm 1994. Do những trở ngại xuất phát từ các quy định mơ hồ tại Điều VI của GATT, Hiệp định về chống bán phá giá đã được xây dựng nhằm hoàn thiện các quy định nền tảng trước đó và đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Với tinh thần đó, Hiệp định về chống bán phá giá đã đưa ra các quy định cụ thể về các vấn đề (1) biện pháp xác định hành vi bán phá giá; (2) các tiêu chí xác định hành vi bán phá giá gây ra thiệt hại cho ngành công nghiệp nội địa; (3) quy trình điều tra chống phá giá; (4) phương thức triển khai và thời hạn của các biện pháp chống bán phá giá; và (5) phương thức các cơ quan nội địa có thể áp dụng nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến chống bán phá giá.
2. Quy định của Hiệp định về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế
2.1. Quy định về hành vi bán phá giá và xác định hành vi bán phá giá
“Bán phá giá” là việc xuất khẩu một hàng hóa vào lưu thông thương mại của một nước với “giá xuất khẩu” thấp hơn “giá trị thông thường” của hàng hóa tại thị trường nội địa nước xuất khẩu.[1] Trước đây, việc xác định hai giá trị trên gặp nhiều khó khăn do GATT 1947 không đưa ra hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, các trở ngại này hiện nay được khắc phục bởi các phương pháp xác định thay thế quy định tại Hiệp định về chống bán phá giá.
a) Xác định giá trị thông thường của sản phẩm
“Giá trị thông thường” của một sản phẩm được hiểu là giá trị của sản phẩm tương tự với sản phẩm đó tại thị trường của nước xuất khẩu và được xác định thông qua 04 yếu tố:[2] giao dịch ‘theo điều kiện thương mại thông thường’; sản phẩm là sản phẩm tương tự; sản phẩm được tiêu dùng tại nước xuất khẩu; và giá trị của sản phẩm có thể ‘so sánh được’. Cách xác định này có thể gặp trở ngại nếu các yếu tố trên không được đáp ứng. Tuy nhiên, Điều 2.2 đưa ra quy định về xác định giá trị thông thường thay thế dựa trên (1) mức giá của của một quốc gia thứ ba; hoặc (2) so sánh với chi phí sản xuất tại nước xuất xứ hàng hóa cộng thêm một khoản hợp lý.
b) Xác định giá xuất khẩu của sản phẩm
“Giá xuất khẩu” là giá giao dịch giữa nhà sản xuất từ nước xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, cách xác định này gây trở ngại trong trường hợp giá xuất khẩu không tồn tại hoặc không đáng tin cậy do quan hệ hoặc do thỏa thuận bù trừ giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Điều 2.3 của Hiệp định về chống bán phá giá khắc phục trở ngại này bằng cách cho phép giá xuất khẩu được xác định dựa trên (1) mức giá bán lại lần đầu giữa nhà nhập khẩu và người mua hàng độc lập hoặc nếu không thể xác định, (2) các cơ sở hợp lý khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
c) Phương pháp so sánh giá và xác định biên độ phá giá
Hiệp định về chống bán phá giá cũng đưa ra các giải pháp so sánh “giá xuất khẩu” và “giá trị thông thường”. Điều 2.4 quy định hai giá trị phải được so sánh ở cùng một khâu thống nhất. Ngoài ra, giá sản phẩm cũng được bù trừ hợp lý cho các khác biệt về điều kiện bán hàng, thuế, dung lượng thương mại, khối lượng, đặc tính vật lý và bất kỳ sự khác biệt nào khác có biểu hiện ảnh hưởng đến việc so sánh giá.
Nhằm xác định biên độ phá giá trong quá trình điều tra,[3] Điều 2.4.2 quy định ba phương thức khác nhau, gồm so sánh giữa (1) giá trị bình quân gia quyền thông thường và giá bình quân gia quyền xuất khẩu, hoặc (2) giữa các giao dịch, hoặc (3) giá trị bình quân gia quyền thông thường và giá của từng giao dịch xuất khẩu trong trường hợp giá xuất khẩu giữa các giao dịch có chênh lệch đáng kể và sự khác biệt này không thể được tính toán dựa trên hai phương thức đầu tiên.
2.2. Quy định về xác định thiệt hại đối với Ngành sản xuất trong nước do hành vi bán phá giá
Theo Điều 4.1, ngành sản xuất trong nước được hiểu là tập hợp các nhà sản xuất trong nước của các hàng hóa tương tự hoặc có tổng sản phẩm chiếm phần lớn tổng sản xuất trong nước của sản phẩm đó. Một số ngoại lệ như nhà sản xuất bị cáo buộc bán phá giá hoặc có liên quan đến nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu thì không được xem là ngành sản xuất trong nước.
Việc xác định thiệt hại, cùng với mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu được bán phá giá và thiệt hại là yêu cầu tiên quyết trước khi áp dụng biện pháp chống phá giá.[4] Hiệp định về chống bán phá giá phân loại “thiệt hại” thành: (1) thiệt hại vật chất đối với sản xuất trong nước; (2) nguy cơ về thiệt hại vật chất đối với sản xuất trong nước; hoặc (3) làm trì trệ sự phát triển của một ngành sản xuất trong nước. Việc xác định thiệt hại và loại thiệt hại của hành vi bán phá giá được quyết định bởi các cơ quan có thẩm quyền phù hợp.[5]
Thiệt hại được được xác định thông qua bằng chứng xác thực và điều tra khách quan của (1) khối lượng hàng hóa nhập khẩu được bán phá giá; (2) ảnh hưởng của bán phá giá đối với giá của hàng hóa tương tự tại thị trường nội địa; và (3) hậu quả gây ra cho nhà sản xuất nội địa. Nguy cơ về thiệt hại vật chất được xác định dựa trên hai yếu tố: (1) khả năng tiếp diễn của việc xuất khẩu phá giá là không thể tránh khỏi; (2) nếu không có biện pháp bảo vệ thì thiệt hại vật chất sẽ diễn ra.[6] Nguy cơ thiệt hại phải được chứng minh yếu tố rõ ràng và khó tránh khỏi,[7] đồng thời cơ quan thẩm quyền phải xem xét các yếu tố liệt kê tại Điều 3.7 trước khi quyết định.
2.3. Quy định về áp dụng biện pháp chống bán phá giá
Hiệp định về chống bán phá giá cho phép các quốc gia thành viên của WTO áp dụng các biện pháp chống lại hành vi bán phá giá. Các biện pháp bao gồm:
a) Biện pháp khẩn cấp tạm thời
Biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện dưới các hình thức thuế hoặc khoản bảo đảm (đây là hình thức ưu tiên) được xác định tương đương với thuế chống bán phá giá dự kiến và không cao hơn biên độ bán phá giá dự kiến. Nếu kết quả điều tra cho thấy không có hành vi phá giá, Điều 10.5 yêu cầu cơ quan thẩm quyền hoàn trả toàn bộ các khoản tiền ký quỹ và giải phóng các tài sản bảo đảm thu trong thời gian áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
b) Cam kết về giá
Trường hợp nhà sản xuất hoặc xuất khẩu nước ngoài tự nguyện cam kết sửa đổi giá hoặc chấm dứt việc xuất khẩu, các thủ tục điều tra có thể được đình chỉ hoặc chấm dứt mà không áp dụng các biện pháp khác. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền không có nghĩa vụ chấp nhận nếu cam kết không khả thi do liên quan đến số lượng lớn nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu. Mặt khác, nếu được chấp nhận trong quá trình điều tra, thì nhà xuất khẩu và cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định hoàn tất cuộc điều tra.
c) Thuế chống bán phá giá chính thức
Khi kết quả điều tra cho thấy có hành vi bán phá giá, cơ quan thẩm quyền của quốc gia thành viên (là nước nhập khẩu trong vụ việc) có quyền quyết định về việc đánh thuế chống bán phá giá chính thức.[8] Tuy nhiên, tất cả các điều kiện để đánh thuế phải được đáp ứng, và mức thuế phải tương đương hoặc thấp hơn biên độ phá giá.
d) Thuế đối kháng
Thuế đối kháng, hay thuế chống phá giá khi được áp dụng hồi tố, được áp dụng trong thời gian biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực và chỉ được áp dụng nếu:[9] (1) kết quả cuối cùng cho thấy thiệt hại vật chất đã xảy ra; hoặc (2) kết quả cuối cùng xác định nguy cơ về thiệt hại trong đó hàng nhập khẩu bị bán phá giá sẽ dẫn đến thiệt hại vật chất nếu không có biện pháp khẩn cấp tạm thời.
[1] Điều VI GATT 1994, Điều 2.1 Hiệp định về chống bán phá giá.
[2] Điều 2.1 Hiệp định về chống bán phá giá. Các yếu tố này được hướng dẫn cụ thể tại Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm WTO trong vụ US – Hot-Rolled Steel, WT/DS184/AB/R, đoạn 165.
[3] Điều khoản Bổ sung Điều VI, GATT 1994 quy định “biên độ bán phá giá” là chênh lệch giá được xác định khi một sản phẩm được nhập khẩu với giá thấp hơn giá trị thông thường của nó.
[4] Peter Van den Bossche và Werner Zdouc, The Law and Policy of the World Trade Organization, Cambridge University Press, Cambridge, 2021, tr.1282.
[5] Footnote 3, Hiệp định về chống bán phá giá.
[6] Điều 3.7, Hiệp định về chống bán phá giá.
[7] Stewart TP., Dwyer AS, Gantz DA. and Prusa TJ., tlđd, tr.207.
[8] Điều 9.1, Hiệp định về chống bán giá
[9] Điều 10.2, Hiệp định về chống bán phá giá