Khi nào người sử dụng lao động phải đăng ký nội quy lao động?

Trường hợp đăng ký nội quy lao động

Nội quy lao động là một khái niệm xuất hiện khá nhiều tại Bộ luật Lao động, chúng là công cụ giúp duy trì được trật tự trong doanh nghiệp đồng thời cũng giúp người sử dụng lao động điều hành các hoạt động trong doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn. Theo quy định pháp luật hiện hành, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải ban hành nội quy lao động. Nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động bắt buộc phải bằng văn bản, nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì không bắt buộc ban hành nội quy lao động bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động.

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải đăng ký nội quy lao động khi sử dụng lao động từ 10 người lao động trở lên. Như vậy, việc đăng ký nội quy là không bắt buộc trong mọi trường hợp mà chỉ khi người sử dụng lao động sử dụng từ 10 lao động trở lên mới phải đăng ký nội quy lao động.

Việc đăng ký nội quy lao động được thực hiện tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện cụ thể, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc đăng ký nội quy lao động theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Lao động 2019.

Trình tự, thủ tục đăng ký nội quy lao động

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Lao động 2019, thủ tục đăng ký nội quy lao động được thực hiện như sau:

Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động. Hồ sơ đăng ký nội quy lao động được quy định tại Điều 120 Bộ luật Lao động 2019, bao gồm:

  • văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;
  • nội quy lao động;
  • văn bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; và
  • các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có).

Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, nếu nội dung nội quy lao động có quy định trái với pháp luật thì cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo, hướng dẫn người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại. Nội quy lao động sẽ có hiệu lực sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động. Trong trường hợp người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động ban hành nội quy lao động bằng văn bản thì hiệu lực do người sử dụng lao động quyết định trong nội quy lao động.

Cần lưu ý rằng nếu người sử dụng lao động có các chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều địa bàn khác nhau thì gửi nội quy lao động đã được đăng ký đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, theo quy định tại điểm a và điểm b Khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu không có nội quy lao động bằng văn bản khi sử dụng từ 10 lao động trở lên hoặc không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức phạt trên áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân, trường hợp đối với hành vi vi phạm của tổ chức thì sẽ bị xử phạt gấp 02 lần mức xử phạt cá nhân.