Tóm tắt: Công ty TNHH hai thành viên trở lên và Công ty cổ phần là một trong hai loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay, thường được các nhà đầu tư trong và ngoài nước ưu tiên lựa chọn khi tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh của mình tại Việt Nam.
Do là các doanh nghiệp có đặt tính đối vốn và theo mô hình sở hữu tập thể (bao gồm nhiều người đồng sở hữu) nên việc đưa ra các quyết định liên quan tới hoạt động của công ty sẽ dựa trên nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Trong bối cảnh đó, để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư là các cổ đông/thành viên thiểu số trong công ty thì pháp luật có quy định và đặt ra những tỷ lệ sở hữu cổ phần/phần vốn góp nhất định để các nhà đầu tư có thể bảo vệ một số quyền lợi của mình.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu khái quát quyền phủ quyết trong Công ty cổ phần và Công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Quyền phủ quyết của cổ đông/thành viên
Quyền phủ quyết được hiểu là quyền bác bỏ, quyền từ chối cho phép một nghị quyết của đa số được thực hiện hoặc thông qua.
Trong công ty Cổ phần, quyền phủ quyết của cổ đông ở đây được hiểu là quyền mà các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu một tỉ lệ cổ phần nhất định trong công ty được quyền bác bỏ một nghị quyết của ĐHĐCĐ khi nghị quyết đó đã được đa số các cổ đông còn lại chấp thuận thông qua.
Quyền phủ quyết này cũng được hiểu tương tự đối với hình thức Công ty TNHH hai thành viên trở lên, khi đó, thành viên/nhóm thành viên sở hữu một tỉ lệ phần vốn góp nhất định trong công ty được quyền bác bỏ một nghị quyết của HĐTV khi nghị quyết đó đã được đa số các thành viên còn lại chấp thuận thông qua.
Tầm quan trọng của quyền phủ quyết
Vì có mô hình sở hữu tập thể, nhiều người đồng sở hữu công ty nên mỗi cổ đông hoặc thành viên sẽ nắm giữ một tỷ lệ cổ phần hoặc phần vốn góp nhất định trong công ty. Bên cạnh đó, do đặt tính “đối vốn” của mình, thông qua việc nắm giữ một tỷ lệ cổ phần hoặc phần vốn góp nhất định trong công ty mà các cổ đông hoặc thành viên sẽ thể hiện quyền sở hữu, quyền kiểm soát hoặc chi phối của mình đối công ty đó.
Do vậy, nếu cổ đông hoặc thành viên nào nắm giữ tỷ lệ sở hữu cổ phần/phần vốn góp trong công ty càng nhiều thì các quyền lực này của cổ đông hoặc thành viên đó càng lớn. Trước tình hình đó, để hạn chế trường hợp các “Cổ Đông Hoặc Thành Viên Lớn” có thể lợi dụng các quyền hạn của mình để tác động và gây những ảnh hưởng không tốt đến công ty nói chung và các “Cổ Đông/Thành Viên Thiểu Số” nói riêng nên pháp luật đã có những quy định và đặt ra những tỷ lệ sở hữu cổ phần/phần vốn góp nhất định để các, những sở hữu tỷ lệ đó, có thể bảo vệ quyền lợi của mình.
Hệ quả của việc này là quyền phủ quyết của các Cổ Đông/Thành Viên Thiểu Số ra đời và được áp dụng rộng rãi hiện nay.
Tỷ lệ nắm giữ cổ phần có quyền phủ quyết trong Công ty cổ phần
Căn cứ theo quy định tại Điều 148 của LDN 2020, trừ trường hợp Điều lệ có quy định khác, mức tỷ lệ cụ thể để ĐHĐCĐ thông qua các quyết định trong Công ty Cổ phần là:
+ Từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành khi biểu quyết tại cuộc họp và thuộc các vấn đề quan trọng nêu tại Khoản 1 Điều 148 LDN 2020. Cụ thể như: Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh; Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; quyết định thông qua dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác; Tổ chức lại, giải thể công ty; Vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.
+ Từ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành khi biểu quyết tại cuộc họp thuộc và các vấn đề thông thường nêu tại Khoản 2 Điều 148 LDN 2020.
Đối chiếu với quy định nêu trên, khi một cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu trên 35% vốn điều lệ (tổng số phiếu biểu quyết) thì sẽ quyền phủ quyết những vấn đề, nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thuộc Khoản 1 Điều 148 LDN nêu trên.
Tỷ lệ nắm giữ phần vốn góp có quyền phủ quyết trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Căn cứ theo quy định tại Điều 59 của LDN 2020, trừ trường hợp Điều lệ có quy định khác, mức tỷ lệ cụ thể để HĐTV thông qua các quyết định, nghị quyết trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên là:
+ Được các thành viên dự họp sở hữu từ 75% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên tán thành đối với nghị quyết, quyết định về các vấn đề quan trọng như: bán tài sản có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty.
+ Được các thành viên dự họp sở hữu từ 65% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên tán thành đối với nghị quyết, quyết định về các vấn đề quan thông thường khác.
Đối chiếu với quy định nêu trên, khi một thành viên/nhóm thành viên sở hữu trên 25% vốn điều lệ (tổng số vốn góp) thì sẽ quyền phủ quyết những vấn đề, nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐTV nêu trên.
Một số lời khuyên
Như đã đề cập ở trên về tầm quan trọng của quyền phủ quyết, cổ đông phải hết sức lưu ý về tỷ lệ sở hữu cổ phần/phần vốn góp tối thiểu trong công ty để đảm bảo các quyền lợi của mình cũng như có thể quyết định, kiểm soát được các vấn đề quan trọng trong công ty.
Ngoài ra, trên thực tế có một số cổ đông/thành viên thiểu số còn lựa chọn phương thức khác để mở rộng các quyền phủ quyền của mình thông qua một thỏa thuận cổ đông/ thành viên với các cổ đông/thành viên khác trong công ty.
Theo đó, phạm vi và quyền hạn phủ quyết của các cổ đông/ thành viên này trong việc kiểm soát hoặc chi phối một số vấn đề trong công ty sẽ được mở rộng hơn so với thường lệ cũng như có những ảnh hưởng, tác động nhất định trong công ty.
Tuy vậy, việc mở rộng quyền phủ quyết dựa trên một thỏa thuận cổ đông/ thành viên như vậy, xét về tính pháp lý thì đây có thể việc không phù hợp với các quy định tại điều lệ công ty hoặc thậm chí là trái với pháp luật nên các cổ đông/thành viên cần cân nhắc và lưu ý thận trọng về hiệu lực của các thỏa thuận này khi có tranh chấp xảy ra.
Do đó, để đảm bảo tối ưu hóa các quyền hạn và lợi ích của mình trong công ty, đặc biệt khi bạn là các nhà đầu, các cổ đông/thành viên thiểu số, tác giả khuyến nghị bạn nên có sự tư vấn kỹ lưỡng của chuyên gia, Luật sư khi xem xét các nội dung chi tiết về quyền phủ quyền và thực hiện quyền này trên thực tế khi công ty tiến hành thông qua các quyết định/nghị quyết cụ thể đối với từng trường hợp.