Có thể ly hôn vắng mặt được không?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Theo nguyên tắc tố tụng dân sự, một chủ thể có thể tự mình tham gia vụ việc tố tụng hoặc ủy quyền cho một chủ thể khác đại diện bản thân tham gia tố tụng. Tuy nhiên, do ly hôn là một vấn đề rất mật thiết, gắn liền với quyền nhân thân của mỗi cá nhân, vì vậy Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định riêng đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Một trường hợp ngoại lệ là khi một bên vợ, chồng không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và là nạn nhân của bạo lực gia đình, bị chồng, vợ của mình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần thì cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người này có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn và đại diện người này tham gia tố tụng[1].

Ly hôn gồm hai loại là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng. Trên thực tế, thủ tục giải quyết vụ việc ly hôn thuận tình hoặc ly hôn theo yêu cầu của một bên khá tương tự nhau. Theo đó, Tòa án đều phải tiến hành 2 bước cần thiết là (i) hòa giải và (ii) mở phiên tòa xét xử vụ án hoặc phiên họp giải quyết việc dân sự. Theo đó, tại bước hòa giải, nếu đương sự vắng mặt thì sẽ xem như hòa giải không thành và Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử hoặc mở phiên họp giải quyết.

Đối với ly hôn đơn phương, nếu cả vợ và chồng đều không muốn tham gia xét xử thì có thể nộp đơn đề nghị xét xử vắng mặt, lúc này Tòa án vẫn sẽ tiến hành xét xử[2]. Tuy nhiên, trong trường hợp cả hai bên vợ, chồng đều không nộp đơn đề nghị xét xử vắng mặt và Tòa án đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai, nếu người vắng mặt là nguyên đơn thì vụ án sẽ bị đình chỉ xét xử, nếu người vắng mặt là bị đơn thì Tòa án mặc định tiến hành xét xử vắng mặt người này[3].

Đối với ly hôn thuận tình, các đương sự vẫn có thể đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không đề nghị giải quyết vắng mặt và sau lần triệu tập hợp lệ thứ hai mà vợ, chồng hoặc cả hai chủ thể vẫn vắng mặt thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự[4].

Như vậy, theo quy định của pháp luật, về nguyên tắc, vụ việc ly hôn có thể được xét xử vắng mặt nếu vợ, chồng hoặc cả hai bên có đơn đề nghị xét xử vắng mặt khi được Tòa án triệu tập hợp lệ hoặc nếu một bên là bị đơn trong vụ án lý hôn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Bên cạnh đó, ngày 26 tháng 11 năm 2018, Tòa án nhân dân Tối cao cũng đã hướng dẫn việc xét xử vắng mặt đối với những vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài thông qua Công văn số 253/TANDTC-PC hướng dẫn giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ (“Công văn 253/TANDTC-PC”).

Theo Công văn 253/TANDTC-PC, Tòa án sẽ vẫn xét xử vắng mặt vụ việc ly hôn có nguyên đơn là người Việt Nam và bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nếu:

  • nguyên đơn chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài;
  • thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án; và
  • nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết

Trong tình huống này, Tòa án sẽ xem như đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết.

Xem chi tiết nội dung Công văn Công văn 253/TANDTC-PC: DOWNLOAD


[1] Khoản 4 Điều 85 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015

[2] Khoản 1 Điều 227 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015

[3] Khoản 2 Điều 227 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015

[4] Khoản 2 Điều 367 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015. Do khi ly hôn thuận tình cả 2 vợ chồng đều ký vào đơn yêu cầu nên đều là người yêu cầu, vì vậy cả 2 bắt buộc phải có mặt nếu không có đề nghị giải quyết vắng mặt.