Thông thường, các tổ chức nước ngoài có mong muốn làm dự án tại Việt Nam thường lựa chọn thực hiện theo một số hình thức, như tham gia với tư cách nhà thầu, thành lập một tổ chức kinh tế mới hoặc thực hiện theo hợp đồng. Trong đó, phương thức tham gia với tư cách nhà thầu hiện đang trở thành xu hướng lựa chọn chủ đạo vì ngày càng dự án đấu thầu được tổ chức triển khai tại Việt Nam. Vì lẽ trên, bài viết này tập trung cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề cấp Giấy phép hoạt động xây dựng – một trong những điều kiện then chốt để nhà thầu nước ngoài được phép thực hiện dự án tại nước ta[1].
Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài:
Về điều kiện cấp Giấy phép hoạt động xây dựng, nhà thầu nước ngoài có nghĩa vụ thỏa mãn 03 yêu cầu theo Điều 103 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP:
- chỉ được nhận Giấy phép sau khi được chủ đầu tư hoặc nhà thầu chính (phụ) cấp quyết định trúng thầu/được chọn thầu;
- phải liên danh hoặc sử dụng nhà thầu Việt Nam (trừ khi nhà thầu Việt Nam không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu); và
- cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam về hoạt động nhận thầu.
Các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài
Căn cứ khoản 3 Điều 104 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cùng các Sở Xây dựng là những cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài.
Cụ thể, Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cấp phép cho nhà thầu nước ngoài thực hiện hợp đồng của dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, hoặc dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn hai tỉnh trở lên. Trong khi đó, Sở Xây dựng cấp phép cho nhà thầu nước ngoài thực hiện hợp đồng của dự án nhóm B, nhóm C được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh.
Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Trước hết, hết nhà thầu nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động xây dựng, bao gồm những tài liệu, văn bản được quy định tại khoản 1 Điều 104 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. Trong đó, giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nước ngoài cần được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ khi điều ước quốc tế mà Việt Nam hoặc các quốc gia liên quan là thành viên có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự.
Ngoài ra, trong trường hợp một số tài liệu trong bộ hồ sơ nêu trên sử dụng ngôn ngữ nước ngoài, các tài liệu đó phải được dịch ra tiếng Việt (bản dịch được công chứng, chứng thực hợp pháp)[2].
Bước 2: Nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cấp phép hoặc gửi theo đường bưu điện
Sau khi chuẩn bị hồ sơ, nhà thầu gửi hồ sơ đến cơ quan cấp phép để được tiến hành đánh giá, xem xét. Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan nếu trên sẽ cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài.
Sau khi nhận được Giấy phép hoạt động xây dựng, nhà thầu nước ngoài phải đóng lệ phí cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Theo đó, mức thu lệ phí cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài là 2.000.000 đồng/giấy phép[3].
[1] Khoản 1 Điều 102 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/03/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
[2] Khoản 1 Điều 104 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.
[3] Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 172/2016/TT-BTC ngày 27/10/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép hoạt động xây dựng.