Người Việt hiện đang định cư ở nước ngoài có các quyền tài sản như quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Tuy nhiên, quyền này được thực hiện như thế nào trên thực tế.
Quyền tài sản
Theo quy định của pháp luật Việt Nam[1], quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Người Việt Nam định cư nước ngoài có nguồn gốc Việt Nam
Luật Quốc tịch Việt Nam quy định tại khoản 4 Điều 3 như sau: “Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.”
Theo đó, mặc dù chưa có một định nghĩa cụ thể nhưng có thể hiểu người có nguồn gốc Việt Nam là những người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống hoặc có cha hoặc mẹ, ông nội hoặc bà nội, ông ngoại hoặc bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam theo huyết thống.
Đồng thời, người có gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài còn được xem là “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” theo quy định của pháp luật về quốc tịch[2].
Về mặt thủ tục, người có nhu cầu xác nhận là người có gốc Việt Nam cần phải thực hiện một thủ tục để xin một giấy xác nhận gọi là “Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam”. Giấy xác nhận này sẽ do Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú vào thời điểm nộp hồ sơ hoặc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao.
Quyền tài sản đối với người có nguồn gốc Việt Nam
Nhìn chung, người gốc Việt hầu như không bị hạn chế các quyền về tài sản của mình tại Việt Nam. Tuy nhiên có một số quyền tài sản mà họ sẽ bị hạn chế so với công dân Việt Nam bình thường và đang sinh sống tại Việt Nam.
Trong đó, điển hình nhất là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, người gốc Việt phải đáp ứng một số điều kiện nhất định của pháp luật thì mới có thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với nhà ở.
Sau đây các điều kiện để người gốc Việt có thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với nhà ở:
- Điều kiện để được nhận quyền sử dụng đất[3]: phải thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở. Người có gốc Việt Nam sẽ được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.
- Điều kiện để được công nhận quyền sở hữu nhà ở[4]:
- phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam;
- có giấy tờ chứng minh là đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số: 99/2015/NĐ-CP, bao gồm:Hộ chiếu nước ngoài còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam; và
- có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
[1] Điều 115 Bộ Luật Dân sự năm 2015
[2] Điều 3.3 Luật Quốc tịch Việt Nam
[3] Điều 169.1 Luật Đất đai năm 2013
[4] Điều 8, Luật Nhà ở năm 2014