Điều khoản bảo mật trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

Tổng quan

Nền kinh tế ngày càng phát triển, kéo theo đó là sự xuất hiện của hình thức nhượng quyền thương mại và cho ra đời loại hợp đồng nhượng quyền thương mại. Trong quá trình nhượng quyền, việc bên nhượng quyền tiết lộ bí mật kinh doanh, bí quyết công nghệ cho bên nhận quyền là yếu tố bắt buộc, mà giá trị thương mại lại phụ thuộc vào mức độ bảo mật của những thông tin này.

Trong Luật thương mại và Bộ luật dân sự hiện nay không quy định về khái niệm bí mật kinh doanh và xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh, nhưng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh có thể hiểu là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh[1]. Tại khoản 1, Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018, xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh được thể hiện dưới các hình thức:

  • tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó; và
  • tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Trong các hợp đồng nhượng quyền thương mại, điều khoản bảo mật thông tin được các bên thỏa thuận để bảo vệ giá trị thương mại và tính thống nhất của hệ thống nhượng quyền, bảo vệ quyền lợi của bên nhượng quyền – bên cung cấp thông tin về bí mật kinh doanh và chuyển giao công nghệ cho bên nhận quyền[2].

Bài viết này sẽ tập trung làm rõ 5 vấn đề sau đây:

  • Cấu trúc của điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng nhượng quyền thương mại;
  • Nghĩa vụ bảo mật thông tin trong hợp đồng nhượng quyền thương mại;
  • Xử lý vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin;
  • Những hạn chế của điều khoản bảo mật thông tin; và
  • Giải pháp khắc phục.

Cấu trúc của điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

Tùy thuộc vào từng loại thông tin cần được bảo mật và mục đích, yêu cầu bảo mật thông tin của bên nhượng quyền, mà nội dung bảo mật và mức độ bảo mật được ràng buộc giữa các bên sẽ khác nhau. Tuy nhiên, để theo đúng với tinh thần và mục đích đặt ra điều khoản bảo mật, thông thường điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ bao gồm các nội dung sau:

  • thông tin cần được bảo mật: bí mật kinh doanh, bí quyết công nghệ, thông tin về khách hàng, doanh số, …;
  • quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc bảo mật thông tin; và
  • trách nhiệm đối với bên vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin.

Nghĩa vụ bảo mật thông tin trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

Giá trị thương mại sẽ phụ thuộc vào việc các bí quyết kinh doanh, bí mật công nghệ có được bảo mật hay không. Do đó, để đảm bảo toàn bộ hệ thống nhượng quyền được bảo vệ, tránh nguy cơ bị tan rã, cần phải giữ kín bí mật của những yếu tố này đối với bên thứ ba. Chính vì vậy, nghĩa vụ bảo mật thông tin phải được áp dụng trong cả ba giai đoạn tiền hợp đồng, trong thời gian thực hiện hợp đồng và sau khi chấm dứt hợp đồng.

Trước khi giao kết hợp đồng nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền có nghĩa vụ cung cấp các thông tin liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại như thông tin về khách hàng, doanh số, bí quyết kinh doanh, …[3]Đây là những thông tin rất quan trọng để bên nhận quyền phân tích, xem xét để đưa ra quyết định có gia nhập hệ thống hay không. Việc cung cấp những thông tin như vậy cũng sẽ gây bất lợi cho bên nhượng quyền nếu bên nhận quyền muốn lợi dụng việc này để hưởng lợi bất chính những thông tin này mà không ký kết hợp đồng. Do đó, ngay từ giai đoạn tiền hợp đồng, bên nhượng quyền có thể yêu cầu bên nhận quyền bảo mật những thông tin mà mình nhận được, không được khai thác, sử dụng, cung cấp cho bên thứ ba và không phụ thuộc vào việc các bên có đi đến kết quả là ký hợp đồng hay không. Thỏa thuận này có thể được lập thành văn bản riêng (Confidential Agreement) hoặc được nêu kèm trong các thỏa thuận tiền hợp đồng (Confidential Clause). Pháp luật hiện hành cũng có quy định tại khoản 2, Điều 387 BLDS 2015: “Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác”.

Theo TS. Hoàng Thị Thanh Thủy[4], điều khoản bảo mật thông tin thường đề cập đến 3 nhóm nghĩa vụ cơ bản của bên nhận quyền:

  • cam kết thừa nhận quyền sở hữu duy nhất của bên nhượng quyền đối với các thông tin bảo mật;
  • cam kết không khai thác và sử dụng thông tin bảo mật trong bất kỳ công việc kinh doanh hoặc hoạt động sinh lợi nào khác, bao gồm cả việc tiết lộ cho bên thứ ba, ngoài việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ được nhượng quyền; và
  • duy trì việc bảo mật các thông tin đó, bao gồm cả việc không thực hiện việc sao chép hoặc trích ra trái phép bất cứ phần nào của thông tin bảo mật dưới hình thức văn bản hoặc bất kỳ hình thức hữu hình nào khác, thực hiện các công việc và thủ tục cần thiết và hợp lý để ngăn chặn việc sử dụng hoặc tiết lộ trái phép của các nhân viên làm việc dưới quyền mình.

Trên cơ sở thừa nhận và khẳng định quyền sở hữu của bên nhượng quyền đối với thông tin bí mật của hệ thống nhượng quyền, bên nhận quyền chỉ được chiếm hữu và sử dụng các thông tin bí mật đó trên cơ sở có sự đồng ý của bên nhượng quyền (trên cơ sở hợp đồng nhượng quyền). Sau khi chấm dứt hợp đồng, để đảm bảo thực hiện bí mật thông tin, bên nhượng quyền có thể yêu cầu bên nhận quyền chuyển giao, hoàn trả các tài liệu và thông tin liên quan đến bí quyết của hệ thống[5]. Theo khoản 4 Điều 289 LTM 2005, sửa đổi, bổ sung 2019, bên nhận quyền có nghĩa vụ giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt. Nếu bên nhận quyền vẫn tiếp tục sử dụng thông tin và bí quyết nêu trên mà không có sự đồng ý rõ ràng của bên nhượng quyền thì sẽ bị coi là chiếm hữu hay được hưởng lợi không có căn cứ pháp lý và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật dân sự.

Trong kỹ thuật xây dựng hợp đồng, các bên thường thỏa thuận rằng điều khoản về bảo mật thông tin vẫn tiếp tục có hiệu lực sau khi hợp đồng hết hạn hay bị chấm dứt bởi bất kể lý do gì (survival clause)[6].

Xử lý vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin

Vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin có thể coi là căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại.[7] Bên nhượng quyền có quyền yêu cầu bên nhận quyền trả lại các thu nhập phát sinh từ hành vi vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin dựa trên quy định của BLDS 2015 về nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật[8].

Nếu bên nhận quyền cố ý tiết lộ bí mật kinh doanh, bí quyết hoạt động của hệ thống nhượng quyền cho bên thứ ba thì bên nhượng quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại mà không cần báo trước, đồng thời có thể thực hiện thủ tục tố tụng dân sự hoặc hình sự cần  thiết để bảo vệ quyền sở hữu đối với các thông tin và bí quyết kinh doanh, công nghệ, tùy theo mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm gây ra[9].

Hạn chế

Hạn chế về tính độc lập

Về mặt lý thuyết, khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu toàn phần thì các điều khoản trong hợp đồng cũng bị vô hiệu. Lúc này, các bên không còn bất kỳ quyền và nghĩa vụ nào phát sinh từ hợp đồng nhượng quyền thương mại, kể cả nghĩa vụ bảo mật, mà chỉ có nghĩa vụ phát sinh từ việc vô hiệu như bồi thường thiệt hại[10]. Hay nói cách khác, bên nhận quyền không có nghĩa vụ bảo mật thông tin trong quá trình thực hiện hợp đồng với bên nhượng quyền, đây là một rủi ro rất lớn đối với các doanh nghiệp nếu các thông tin tiết lộ có giá trị thương mại cao.

Trên thực tế, điều khoản bảo mật trong hợp đồng nhượng quyền thương mại vẫn được các bên thỏa thuận và cam kết về việc duy trì hiệu lực ngay cả khi hợp đồng chấm dứt hoặc bị hủy bỏ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào pháp luật cũng công nhận tính duy trì đối với các điều khoản trong hợp đồng. Hiện nay, pháp luật chỉ duy trì tính hiệu lực đối với các điều khoản như: phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, giải quyết tranh chấp khi hợp đồng bị hủy bỏ hoặc chấm dứt, trừ khi chính thỏa thuận đó bị tuyên bố vô hiệu. Ví dụ như tính độc lập của thỏa thuận trọng tài[11]; duy trì hiệu lực của các điều khoản do các bên thỏa thuận trong trường hợp hủy bỏ hợp đồng[12]. Do đó, đây cũng là một hạn chế của pháp luật khi chưa duy trì tính hiệu lực của điều khoản bảo mật. Tại khoản 2, Điều 387 BLDS 2015 có đề cập: “Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác”. Tuy nhiên, BLDS lại không quy định rõ ràng thế nào là thông tin bí mật, cho nên việc áp dụng quy định này trên thực tế vẫn rất khó khăn và không hiệu quả.

Hạn chế trong việc áp dụng chế tài

Điều khoản bảo mật bị hạn chế trong việc áp dụng chế tài trên thực tế. Bên yêu cầu áp dụng chế tài phải có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm của bên vi phạm nghĩa vụ bảo mật. Đây là điều gần như bất khả thi đối với doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay. Ngay cả khi chứng minh được hành vi vi phạm thì việc áp dụng chế tài cũng rất khó khăn vì khó có thể xác định chính xác mức độ thiệt hại thực tế và điều khoản bảo mật trong hợp đồng thường các bên không đề cập đến chế tài khắc phục, đây là một điểm chủ quan thường gặp khi ký kết hợp đồng của các doanh nghiệp.

Giải pháp khắc phục

Vì những lý do trên, các bên nên cân nhắc tách biệt điều khoản bảo mật thông tin ra khỏi hợp đồng nhượng quyền thương mại. Thay vào đó, các bên có thể ký kết hợp đồng bảo mật thông tin độc lập (a standalone non-disclosure agreement – “NDA”) trước khi tiến hành đàm phán và thực hiện hợp đồng. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp loại bỏ hạn chế về tính độc lập và duy trì hiệu lực của thỏa thuận bảo mật kể cả khi hợp đồng nhượng quyền thương mại bị tuyên bố vô hiệu. Thậm chí, trong một số trường hợp, thỏa thuận bảo mật và hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể được điều chỉnh bởi hai pháp luật khác nhau, thường sẽ áp dụng theo pháp luật của nước mà bên cung cấp thông tin có trụ sở để tạo thuận lợi cho việc thực thi và giải quyết tranh chấp đối với bên cung cấp thông tin[13].


[1] Khoản 23, Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

[2] “Điều khoản bảo mật thông tin và điều khoản cấm cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại” của TS. Hoàng Thị Thanh Thủy – Tạp chí Luật học số 2/2011, trang 43.

[3] Điều 287 Luật thương mại 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

[4] Giảng viên Khoa luật trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

[5] Điều 289 Luật thương mại 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

[6] “Điều khoản bảo mật thông tin và điều khoản cấm cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại” của TS. Hoàng Thị Thanh Thủy – Tạp chí Luật học số 2/2011, trang 46.

[7] Khoản 3, Điều 387 Bộ luật dân sự 2015.

[8] Điều 579 – Điều 583 Bộ luật dân sự 2015.

[9] “Điều khoản bảo mật thông tin và điều khoản cấm cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại” của TS. Hoàng Thị Thanh Thủy – Tạp chí Luật học số 2/2011, trang 49.

[10] Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015 của PGS.TS. Đỗ Văn Đại, Nxb Hồng Đức, trang 183.

[11] Điều 19 Luật Trọng tài thương mại 2010.

[12] Khoản 1, Điều 314  Luật thương mại 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

[13] https://apolatlegal.com/vi/dieu-khoan-bao-mat-trong-hop-dong-nhung-han-che-can-luu-y/