Doanh nghiệp có Vốn đầu tư nước ngoài có thể Xây nhà để ở cho Nhân Viên không?

Hầu hết doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều muốn đầu lâu dài tại Việt Nam. Để đảm bảo mục tiêu này, việc doanh nghiệp tự mình xây nhà ở cho người lao động làm việc cho doanh nghiệp là chiến lược đúng đắn.

Quyền Xây dựng nhà ở cho nhân viên của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cho phép xây nhà ở cho người lao động của mình theo pháp luật về đầu tư.[1] Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam và phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.[2] Không những vậy, trường hợp doanh nghiệp chủ động chăm lo đời sống của người lao động còn được Nhà nước khuyến khích và tạo nhiều ưu đãi.

Điều kiện để đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động.

Riêng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động phải thỏa mãn những yêu cầu sau:

  1. có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc cho phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.[3]
  2. chỉ được bố trí nhà ở cho người lao động tại doanh nghiệp đó ở mà không được thu tiền thuê nhà, hay làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác.[4]

Trường hợp doanh nghiệp không sử dụng hết số lượng nhà ở đã xây dựng cho nhân viên, doanh nghiệp không được cho thuê hoặc sử dụng số lượng nhà ở còn trống vào mục đích khác.

Chính sách khuyến khích và ưu đãi.[5]

Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho những dự án về nhà ở xã hội dành cho người lao động là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là đối với doanh nghiệp chủ động thực hiện, cụ thể là:

  1. được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội;
  2. được tính chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; cũng như được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp;
  3. được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam;
  4. được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; và
  5. các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Quỹ đất để phát triển dự án xây dựng nhà ở cho người lao động.

Quỹ đất dành cho việc xây dựng nhà ở cho người lao động được Nhà nước quy hoạch, chủ động bố trí phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp muốn xây dựng nhà ở cho người lao động. Cụ thể, đất để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp sẽ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy hoạch gắn liền với việc thành lập, quy hoạch khu công nghiệp. Đối với các khu công nghiệp có khó khăn về nhà ở cho người lao động, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ điều chỉnh diện tích khu công nghiệp đã được giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động.[6]

Tóm lại, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể đầu tư xây dựng nhà để ở cho người lao động của mình khi đáp ứng điều kiện và tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư này. Cho tới thời điểm hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng đã đầu tư xây dựng nhà để ở cho người lao động của doanh nghiệp mình.Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng thiếu quỹ đất ở nhiều địa phương, nhất là đối với những thành phố lớn, mật độ dân số dày đặc, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn đầu tư xây dựng.


[1] Điểm d Khoản 3 Điều 4 Luật Đầu tư 2020.

[2] Điểm b Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở 2014.

[3] Khoản 2 Điều 160 Luật Nhà ở 2014.

[4] Điểm b Khoản 2 Điều 162 Luật Nhà ở 2014.

[5] Khoản 1 Điều 58 và Khoản 2 Điều 59 Luật Nhà ở 2014.

[6] Khoản 4 và Khoản 5 Điều 32 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.