Biện Pháp Khẩn Cấp Tạm Thời Trong Tố Tụng Trọng Tài

 

I. Mở đầu

Luật Trọng tài thương mại 2010 được ban hành đã tạo một hành lang pháp lý vững chắc giúp cho việc sử dụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp thương mại ngày càng phổ biến tại Việt Nam, thể hiện không chỉ qua số lượng các vụ tranh chấp được giải quyết mà còn qua sự đa dạng của các lĩnh vực tranh chấp.[1] Tuy nhiên, các quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng trọng tài ban hành còn khá nhiều hạn chế, bất cập và xa rời thực tiễn áp dụng.[2] Bài viết này phân tích một số nội dung về quy định áp dụng biện pháp khẩn cấp thời trong tố tụng trọng tài để làm rõ nhận định trên.

II. Các chủ thể có quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài

Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Trọng tài thương mại 2010, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan. Theo đó, hai chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài là Tòa án và Hội đồng trọng tài. Cần phải phân biệt rõ, Hội đồng trọng tài ở đây không phải là Trung tâm trọng tài (như VIAC) mà là một hội đồng chính thức đã được lập ra và có thẩm quyền đối với một vụ tranh chấp nhất định. Khi một trong các bên nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết một vụ tranh chấp bằng tố tụng trọng tài và có nhu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bên đó có quyền lựa chọn nộp đơn ra Tòa án hoặc làm đơn gửi đến Hội đồng trọng tài hoặc thậm chí có thể gửi đơn đến cả hai cơ quan nêu trên[3] yêu cầu ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

III. Thời điểm có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Trường hợp các bên lựa chọn nộp đơn yêu cầu gửi đến Hội đồng trọng tài

Như đã đề cập trên đây, chủ thể có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng trọng tài. Theo đó, cho đến khi Hội đồng trọng tài đã được thành lập thì các bên mới có thể gửi đơn yêu cầu được. Trừ trường hợp các bên đã có thỏa thuận trước lựa chọn Trọng tài viên, việc thành lập Hội đồng trọng tài có thể kéo dài ít nhất là 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và yêu cầu chọn Trọng tài viên do Trung tâm trọng tài gửi đến cho Bị đơn.[4] Cho đến thời điểm khi Hội đồng trọng tài đã được thành lập, tài sản có thể đã bị tẩu tán hoặc thay đổi hiện trạng dẫn đến Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không thể thi hành được. Đây là các biện pháp “khẩn cấp” nhưng các bên lại phải chờ đợi đến khi Hội đồng trọng tài được thành lập, điều đó vô hình trung làm mất bản chất khẩn cấp của các biện pháp đó và dẫn đến làm giảm khả năng thi hành của quyết định được ban hành.

2. Trường hợp các bên lựa chọn nộp đơn yêu cầu ra Tòa án

Khi các bên lựa chọn nộp đơn yêu cầu ra Tòa án, thì ngay sau khi nộp đơn khởi kiện ra trọng tài, bên đó có quyền làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không phải đợi đến lúc trung tâm trọng tài quyết định thụ lý hồ sơ.[5] Quy định như vậy đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng và khẩn cấp của các biện pháp này, tạo điều kiện cho các bên dễ dàng và kịp thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình hơn so với việc yêu cầu ra Hội đồng trọng tài.

IV. Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Chủ thể chịu tác động của biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng trọng tài ban hành

Khác với tố tụng tại tòa án, tố tụng trọng tài chỉ cho phép Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp,[6] tức là quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài chỉ được đưa ra yêu cầu các bên trong vụ án tranh chấp thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ cụ thể mà không được đưa ra đối với bất kỳ bên thứ ba nào khác. Các bên tranh chấp trong tố tụng trọng tài chỉ bao gồm các chủ thể tham gia tố tụng trọng tài với tư cách là nguyên đơn, bị đơn.[7] Vì vậy, thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài hẹp hơn nhiều so với tòa án về mặt chủ thể chịu tác động. Nếu hành vi yêu cầu phải được thực hiện bởi một bên thứ ba khác hoặc tài sản tranh chấp đang thuộc quyền quản lý của một bên thứ ba khác, Hội đồng trọng tài sẽ không có thẩm quyền ban hành trong trường hợp này.

2. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc thẩm quyền áp dụng của Hội đồng trọng tài[8]

a. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp

Khi xem xét đơn yêu cầu của bên tranh chấp gửi đến, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này khi có đủ các điều kiện sau: (i) đối tượng mà đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải là tài sản đang có tranh chấp; (ii) có hành vi làm thay đổi hiện trạng của tài sản như phá hủy, tháo dỡ, lắp ghép xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản; (iii) người yêu cầu đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính.[9]

Như đã phân tích trên đây, Hội đồng trọng tài chỉ có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp. Vậy nếu trong trường hợp này, tài sản tranh chấp đang thuộc quyền chiếm hữu của bên thứ ba, tức là của một cá nhân, tổ chức khác không phải là bên tranh chấp thì Hội đồng trọng tài không thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với chủ thể đó được. Do đó, bên thứ ba này hoàn toàn có thể có những hành vi làm thay đổi hiện trạng tài sản tranh chấp mà Hội đồng trọng tài không thể cấm hành vi đó theo yêu cầu của các bên được.

b. Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài

Trong quá trình trọng tài giải quyết tranh chấp, nếu thấy đương sự nào đó đang có hành vi (hành động hoặc không hành động) mà hành vi đó sẽ có tác động gây bất lợi cho quá trình tố tụng thì đương sự bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp cấm hoặc buộc bên tranh chấp thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định.[10]

c. Kê biên tài sản đang tranh chấp

Kê biên tài sản chỉ áp dụng cho trường hợp người chiếm giữ tài sản tranh chấp có hành vi tẩu tán, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản tranh chấp gây khó khăn trong việc xem xét, giải quyết của Hội đồng trọng tài hoặc thi hành án sau này, thì theo yêu cầu của một trong các bên đương sự Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp này.[11]

Tương tự như phân tích ở phần trên, trong trường hợp nếu người đang chiếm hữu tài sản là một bên thứ ba không phải là các bên tranh chấp, thì theo yêu cầu của một trong các đương sự, Hội đồng trọng tài cũng không thể áp dụng biện pháp này đối với bên đang chiếm hữu đó được.

d. Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp

Có những tài sản đang tranh chấp hoặc có liên quan đến tranh chấp, nếu không xử lý kịp thời sẽ làm hư hỏng, mất giá trị, giảm giá trị hoặc làm biến dạng tài sản, thì theo yêu cầu của một trong các bên tranh chấp, Hội đồng trọng tài sẽ áp dụng biện pháp này khi các bên đương sự đã đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp này.[12]

e. Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên

Để kịp thời xử lý những nhu cầu cấp bách của đương sự, dù hai bên còn đang có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, về hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ… đang phải chờ Hội đồng trọng tài phán xử, thì theo yêu cầu của một trong các bên tranh chấp, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc trả tiền giữa các bên tranh chấp khi bên yêu cầu đã chứng minh yêu cầu áp dụng biện pháp này là chính đáng, cần thiết.[13]

Giả sử rằng bên có nghĩa vụ, xuất phát từ một quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài và phải chấp hành lệnh cưỡng chế trả tiền cho bên kia (dẫu chỉ là “tạm thời trả tiền”), dẫn đến một quyết định trọng tài vô hình trung lại có giá trị như một phán quyết trọng tài. Có ý kiến cho rằng việc đặt ra một biện pháp khẩn cấp tạm thời như vậy là thiếu thuyết phục và đi ngược lại logic tố tụng. Bởi dường như điều đó có nghĩa là “thi hành án” trước rồi mới “tổ chức phiên họp Trọng tài giải quyết tranh chấp” sau. Theo pháp luật trọng tài một số nước, việc buộc một bên phải “tạm thời trả tiền” khi chưa mở phiên họp trọng tài giải quyết tranh chấp được quy định hết sức hạn chế và luôn phải có điều kiện khắt khe đi kèm.[14]

f. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp

Việc một bên tranh chấp có thể có hành vi bán, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho,… tài sản tranh chấp có thể đe dọa gây ra những thiệt hại cho đương sự khác hoặc gây khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp, xử lý tài sản tranh chấp. Do đó, khi có yêu cầu của một trong các bên đương sự áp dụng biện pháp khẩn cấp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang có tranh chấp thì Hội đồng trọng tài phải áp dụng biện pháp này.[15]

Tương tự như ở các biện pháp quy định tại điểm a, c Điều luật này, nếu bên đang chiếm hữu tài sản không phải là bên tranh chấp thì Hội đồng trọng tài không thể cấm bên đó chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản tranh chấp. Việc đặt ra quy định hạn chế đối tượng áp dụng của Hội đồng trọng tài đã làm cho các biện pháp nêu trên không có tính hiệu quả và đôi khi là không thể ban hành trên thực tế.

Luật Trọng tài thương mại nêu cụ thể các biện pháp mà Hội đồng trọng tài được phép ban hành và không có quy định mở đối với các biện pháp khác phù hợp với từng trường hợp cụ thể mà luật không thể dự liệu được như quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, điều này có nghĩa rằng, theo yêu cầu của bên tranh chấp, Hội đồng trọng tài chỉ có thể áp dụng một trong các biện pháp đã nêu. Nếu như trường hợp cụ thể cần phải áp dụng một biện pháp khẩn cấp nào khác để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Hội đồng trọng tài không thể áp dụng biện pháp đó được. Quy định như vậy đã làm hạn chế đáng kể thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài, chưa kể đến rằng các biện pháp được luật quy định có thể không áp dụng được hoặc nếu có áp dụng cũng không thể thi hành trên thực tế. Điều này dẫn đến vấn đề là, từ khi Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực cho đến nay, dù cho các vụ việc được xét xử bởi tố tụng trọng tài tăng lên đáng kể thì các bên tranh chấp trong các vụ việc đó, nếu có nhu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cũng đều nộp đơn yêu cầu ra tòa án.[16]

V. Thẩm quyền của Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Chủ thể chịu tác động của biện pháp khẩn cấp tạm thời do Tòa án ban hành

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tất cả các chủ thể của pháp luật mà không có bất kỳ sự hạn chế nào. Các chủ thể đó không nhất thiết phải là các bên tranh chấp và bên có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự. Chủ thể đó thậm chí có thể là người không có năng lực hành vi dân sự, tổ chức gửi giữ, ngân hàng tùy thuộc vào biện pháp mà Tòa án ban hành.

2. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc thẩm quyền áp dụng của Tòa án

Vấn đề được đặt ra ở đây là, khi các bên nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ra Tòa án, các bên có thể yêu cầu áp dụng các biện pháp nào, các biện pháp được quy định tại Luật Trọng tài thương mại hay Bộ luật Tố tụng dân sự. Trong tố tụng trọng tài, cần phải áp dụng trước tiên các quy định của Luật Trọng tài thương mại, nếu các quy định đó thiếu, chưa rõ hoặc chưa cụ thể thì mới áp dụng các nguyên tắc chung về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự.[17] Theo quy định tại Điều 12.2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại thì một hoặc các bên có quyền đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại.[18] Theo đó, Tòa án chỉ có thể áp dụng các biện pháp được quy định trong Luật Trọng tài thương mại nếu vụ việc được giải quyết bằng tố tụng trọng tài. Tuy nhiên, không có lý do gì để hạn chế thẩm quyền của Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc thẩm quyền của Tòa án được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự hay trong luật khác.[19] Bên cạnh đó, Điều 53.5 Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định trường hợp Tòa án được phép thụ lý đơn yêu cầu dù trước đó một trong các bên đã yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nếu yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được nộp cho Tòa án không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Quy định này đã thể hiện rõ rằng Tòa án hoàn toàn có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự chứ không chỉ áp dụng các biện pháp được quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại. Trên thực tế, tòa án đã theo hướng áp dụng các biện pháp thuộc thẩm quyền quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự theo yêu cầu của các bên.[20]

VI. Hiệu lực và việc thi hành của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn câp tạm thời của Hội đồng trọng tài được quy định tương tự quy định của pháp luật thi hành án dân sự về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.[21] Theo đó, ngay sau khi ra quyết định, Tòa án và Trọng tài thương mại phải chuyển giao quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền để thực hiện xác minh và thi hành án.[22]

VII. Kết luận

Khác với Pháp lệnh Trọng tài, Luật Trọng tài thương mại 2010 đã mở rộng thẩm quyền trọng tài khi cho phép Hội đồng trọng tài có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, các biện pháp thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài rất ít, có tính hạn chế và không có khả năng áp dụng cao. Pháp luật hiện hành nên mở rộng thẩm quyền của Hội đồng trọng tài về mặt biện pháp cũng như đối tượng áp dụng để việc trao quyền cho Hội đồng trọng tài này không chỉ được quy định trên văn bản mà còn có khả năng áp dụng và thi hành trên thực tế.


[1] Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Thị Thu Trang, “Thực trạng sử dụng trọng tài thương mại tại Việt Nam – Một số giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của trọng tài”, <http://dzungsrt.com/wp-content/uploads/2015/03/20150831-Du-thao-Tham-Luan-tong-ket-thi-hanh-LTTTM-updated-clean.pdf>, truy cập ngày 28/12/2020.

[2] Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Lương Thanh Quang (2014), “Bàn về các biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc thẩm quyền áp dụng của Trọng tài thương mại”, < http://www.isl.vass.gov.vn/tin-tuc/nghien-cuu-trao-doi/Ban-ve-cac-bien-phap-khan-cap-tam-thoi-thuoc-tham-quyen-ap-dung-cua-Trong-tai-thuong-mai-3604.18>, truy cập ngày 25/12/2020.

[3] Điều 53.5 Luật Trọng tài thương mại 2010

[4] Điều 40 Luật Trọng tài thương mại 2010

[5] Điều 53.1 Luật Trọng tài thương mại 2010

Điều 12.1 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại cũng có quy định, theo đó: “Một hoặc các bên tranh chấp có quyền làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi nộp đơn khởi kiện tại Trọng tài (khi thời điểm tố tụng trọng tài đã bắt đầu) mà không phân biệt Hội đồng trọng tài đã được thành lập hay chưa, Hội đồng trọng tài đã giải quyết tranh chấp hay chưa”.

[6] Điều 49.1 Luật Trọng tài thương mại 2010

[7] Điều 3.3 Luật Trọng tài thương mại 2010

[8] Điều 49.2 Luật Trọng tài thương mại 2010

[9] Tưởng Duy Lượng, Tòa án nhân dân tối cao, “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật Trọng tài thương mại”, <http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/baiviet?p_page_id=1&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=147735716>, truy cập ngày 25/12/2020.

Xem thêm quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

[10] Tlđd (5)

Xem thêm quy định tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

[11] Tlđd (5)

Xem thêm quy định tại Điều 120 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

[12] Tlđd (5)

[13] Tlđd (5)

[14] Tlđd (2)

[15] Tlđd (5)

[16] Kết quả khảo sát tại Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối tháng 03/2013.

[17] Thông tin Pháp luật Dân sự, Phạm Duy Nghĩa, “Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài”, <https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2011/01/15/bi%E1%BB%87n-php-kh%E1%BA%A9n-c%E1%BA%A5p-t%E1%BA%A1m-th%E1%BB%9Di-trong-t%E1%BB%91-t%E1%BB%A5ng-tr%E1%BB%8Dng-ti/>, truy cập ngày 25/12/2020.

[18] Điều 49.2. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:

a) Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;

b) Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;

c) Kê biên tài sản đang tranh chấp;

d) Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;

đ) Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;

e) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

[19] Đỗ Văn Đại (2017), “Pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam”, NXB Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, trang 483.

[20] Xem thêm Quyết định số 03/2013/QĐ-BPKCTT ngày 22/02/2013 của TAND thành phố Hà Nội, Quyết định số 21/2012/QĐ-BPKCTT ngày 17/02/2012 của TAND TPHCM.

[21] Điều 50.5 Luật Trọng tài thương mại 2010 và Điều 26 Nghị định 63/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trọng tài thương mại.

[22] Điều 1.11 Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự