Các tranh chấp thuộc thẩm quyền của trọng tài

Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của luật này. Hiện nay, Luật Trọng tài Thương mại 2010 cũng quy định rõ ba nhóm vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại, cụ thể:

  • tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
  • tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; và
  • tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

Đây là loại tranh chấp phổ biến nhất thuộc thẩm quyền của trọng tài thương mại. Tranh chấp này phát sinh từ hoạt động thương mại giữa các bên. Tuy nhiên hiện nay, Luật Trọng tài Thương mại 2010 không định nghĩa khái niệm hoạt động thương mại. Khái niệm hoạt động thương mại đươc quy định tại Luật thương mại 2005 như sau: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.

Theo quy định của Luật Thương mại 2005, chủ thể tiến hành hoạt động thương mại là thương nhân (bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh). Thương nhân bao gồm:

  • thương nhân Việt Nam: là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài; và
  • thương nhân nước ngoài: là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận.

Bên cạnh hoạt động thương mại của thương nhân, hoạt động của các cá nhân dưới hình thức tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” cũng được xem là hoạt động thương mại.

Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại

Theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại 2010, trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp mà trong đó chỉ cần một bên tranh chấp có hoạt động thương mại. Ví dụ, tranh chấp giữa một thương nhân và các cá nhân, tổ chức không kinh doanh (có thể bao gồm cả các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) cũng có thể được giải quyết bởi trọng tài thương mại.

Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định phải giải quyết bằng trọng tài thương mại

Trong trường hợp này, tiêu chí hoạt động thương mại không còn được đặt ra, mà chỉ cần trong pháp luật chuyên ngành có quy định tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài thương mại. Ví dụ: Trọng tài thương mại có thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp trong nội bộ công ty, như theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật Doanh nghiệp 2020 “Trường hợp thành viên, nhóm thành viên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết đã được thông qua thì nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi có quyết định của Tòa án hoặc Trọng tài có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”.