Thủ tục xác nhận có quốc tịch Việt Nam

Quốc tịch là mối liên hệ pháp lý – chính trị giữa một cá nhận với một quốc gia nhất định và biểu hiện ở tổng thể các quyền, nghĩa vụ pháp lý được pháp luật quy định và bảo đảm thực hiện. Theo quy định tại Điều 1 Luật Quốc tịch 2008, sửa đổi bổ sung 2014, quốc tịch Việt Nam “thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.”

Do đó, việc xác nhận có quốc tịch Việt Nam cũng mang nhiều ý nghĩa. Một mặt, nó đảm bảo cho người được xác nhận quốc tịch Việt Nam các quyền công dân trong các chính sách của nhà nước Việt Nam như một công dân Việt Nam. Mặt khác, việc xác nhận quốc tịch Việt Nam cũng ràng buộc họ với các nghĩa vụ công dân cho nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có hai trường hợp xác nhận có quốc tịch Việt Nam. Cụ thể:

Trường hợp 1: Khi người yêu cầu có một trong các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam tại Điều 11 Luật Quốc tịch 2008, sửa đổi bổ sung 2014, gồm:

Điều 11. Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam

Một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam:

1. Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ;

2. Giấy chứng minh nhân dân;

3. Hộ chiếu Việt Nam;

4. Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

Họ chỉ cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam theo hướng dẫn tại Bước 2 được đề cập bên dưới (Mục 2 Chương IV Nghị định 16/2020/NĐ-CP)

Trường hợp 2: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Namtheo pháp luật Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo Điều 11 Luật Quốc tịch 2008, sửa đổi bổ sung 2014, thì phải trải qua hai bước, gồm:

Bước 1: Đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam

Người yêu cầu xác định có quốc tịch Việt Nam tiến hành đăng ký với Cơ quan đại diện, nơi cư trú để được xác định có quốc tịch Việt Nam bằng cách lập 01 bộ hồ sơ, bao gồm

  • tờ khai theo mẫu quy định;
  • 4 ảnh 4×6 chụp chưa quá 6 tháng;
  • bản sao giấy tờ về nhân thân của người đó như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp; và
  • bản sao một trong các giấy tờ làm cơ sở để xác định có quốc tịch Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định 16/2020/NĐ-CP (gồm: Giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam qua các thời kỳ từ năm 1945 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2009, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch, công dân Việt Nam; hoặc Giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 hoặc giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch, công dân Việt Nam).

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Cơ quan đại diện có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trực tiếp tra cứu hoặc có văn bản gửi Bộ Ngoại giao để đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch; trong thời hạn 10 ngày làm việc, Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao.

Khi có đủ căn cứ để xác định người đó có quốc tịch Việt Nam và không có tên trong danh sách những người đã thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thì ghi vào Sổ đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp này:

  • nếu người đó yêu cầu cấp Hộ chiếu Việt Nam thì Cơ quan đại diện làm thủ tục cấp Hộ chiếu cho họ hoặc thông báo cho họ đến Cơ quan đại diện để làm thủ tục cấp Hộ chiếu; hoặc
  • nếu họ chỉ yêu cầu đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam mà không yêu cầu cấp Hộ chiếu Việt Nam thì Cơ quan đại diện cấp cho họ bản trích lục theo mẫu quy định, sau khi ghi vào Sổ đăng ký xác định người đó có quốc tịch Việt Nam (Nếu sau này người đó có yêu cầu cấp Hộ chiếu Việt Nam, Cơ quan đại diện thực hiện cấp Hộ chiếu cho họ theo quy định).

Ngược lại, nếu không có đủ căn cứ để xác định có quốc tịch Việt Nam trong thời hạn nêu trên thì Cơ quan đại diện gửi văn bản về Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu và gửi Bộ Công an đề nghị xác minh. Theo đó:

  • trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Bộ Tư pháp, Bộ Công an tra cứu, xác minh và có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao; và
  • trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh, Bộ Ngoại giao thông báo cho Cơ quan đại diện để hoàn tất việc xác định người yêu cầu có hay không có quốc tịch Việt Nam.

Khi hoàn toàn không có cơ sở để xác định có quốc tịch Việt Nam thì Cơ quan thụ lý hồ sơ trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu biết.

Bước 2: Xin cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam

Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơtại Sở Tư pháp, nơi người đó cư trú ở trong nước hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú ở nước ngoài vào thời điểm nộp hồ sơ; bằng cách lập 01 bộ hồ sơ, gồm:

  • tờ khai theo mẫu quy định;
  • 2 ảnh 4×6 chụp chưa quá 6 tháng;
  • bản sao giấy tờ về nhân thân của người đó như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp; và
  • bản sao giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch 2008, sửa đổi bổ sung 2014 hoặc giấy tờ tương tự do chính quyền cũ trước đây cấp, kể cả Giấy khai sinh trong đó không có mục quốc tịch hoặc mục quốc tịch bỏ trống nhưng trên đó ghi họ tên Việt Nam của người yêu cầu và cha, mẹ của người đó. Nếu không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam trên: phải lập bản khai lý lịch, kèm theo một trong các giấy tờ làm cơ sở để xác định có quốc tịch Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định 16/2020/NĐ-CP.

Sở Tư pháp, nơi người đó cư trú ở trong nước hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú ở nước ngoài, kiểm tra, xác minh, tra cứu quốc tịch Việt Nam. Trình tự kiểm tra, xác minh, tra cứu quốc tịch Việt Nam được thực hiện như sau:

 Hồ sơ được nộp tại Sở Tư pháp, nơi người đó cư trú trong nướcHồ sơ được nộp tại Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú ở nước ngoài
Người yêu cầu có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt NamTrong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ, trực tiếp tra cứu hoặc có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam; trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Sở Tư pháp. Nếu có nghi ngờ về tính xác thực của giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thì Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan đã cấp giấy tờ đó xác minh; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan đã cấp giấy tờ đó tiến hành xác minh và có văn bản trả lời Sở Tư pháp.Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Cơ quan đại diện kiểm tra hồ sơ, trực tiếp tra cứu hoặc có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam; trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời. Nếu nghi ngờ về tính xác thực của giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền trong nước cấp thì Cơ quan đại diện có văn bản gửi Bộ Ngoại giao để đề nghị cơ quan đã cấp giấy tờ đó xác minh; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Ngoại giao, cơ quan nhận được yêu cầu tiến hành xác minh và có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đại diện.
Người yêu cầu không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, nhưng có giấy tờ làm cơ sở để xác định có quốc tịch Việt Nam quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định Nghị định 16/2020/NĐ-CPTrong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp chủ động tra cứu hoặc đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam, trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Sở Tư pháp. Đồng thời, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị cơ quan Công an cùng cấp xác minh về nhân thân của người có yêu cầu; trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an tiến hành xác minh và có văn bản trả lời Sở Tư phápTrong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Cơ quan đại diện chủ động tra cứu; hoặc Có văn bản kèm theo bản chụp các giấy tờ, thông tin do người yêu cầu cung cấp gửi Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an tra cứu, xác minh về nhân thân của người có yêu cầu. Trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao; đối với việc xác minh và trả lời kết quả xác minh về nhân thân của Bộ Công an thì thời hạn là 45 ngày. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đại diện.

Sở Tư pháp, nơi người đó cư trú ở trong nước hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú ở nước ngoài sẽ cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh của 2 trường hợp trên:

  • nếu có đủ căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam và người đó không có tên trong danh sách được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ ghi vào Sổ cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam: người đứng đầu cơ quan ký và cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam theo mẫu quy định cho người yêu cầu;
  • nếu không có cơ sở để cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam: cơ quan thụ lý hồ sơ trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu biết.